Lecithin là gì?
Lecithin thuộc nhóm chất béo. Đây là hỗn hợp của nhiều loại phospholipid như phosphatidylcholine, phosphatidyletanolamine, phosphatidylinositol, phosphatidylserine và axit phosphatidic.
Lecithin xuất hiện rất phổ biến trong tự nhiên, ở cả động vật và thực vật. Các nguồn thực phẩm giàu lecithin có thể kể đến như lòng đỏ trứng, hải sản, đậu nành, sữa, dầu hạt cải, dầu hướng dương,…
Trong cơ thể, Lecihin có nhiều trong màng tế bào, máu, não bộ, tế bào thần kinh và các mô. Chúng tham gia quá trình chuyển hoá chất và vận chuyển chất béo. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lecithin có tác dụng làm tăng HDL cholesterol (tốt), giảm LDL cholesterol (xấu) trong máu. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cung cấp choline dồi dào để tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine.
Trong sản xuất thực phẩm và sữa công thức, lecithin được sử dụng như một chất phụ gia có tác dụng nhũ hoá. Chúng giúp chất béo trong sữa bột có thể hoà tan vào trong nước và không bị tách lớp. Ngoài ra, thành phần này còn giúp kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm.
Các nguồn thường được sử dụng trong sản xuất như hướng dương, trứng,…và phổ biến nhất là đậu nành. Lecithin trong đậu nành chứa rất ít protein nên khả năng gây dị ứng là rất hiếm. Tuy nhiên ở một số quốc gia như Mỹ, Úc thì các sản phẩm chứa lecithin đậu nành vẫn bắt buộc ghi nhãn là thành phần gây dị ứng.